Có một vị vua rất thích chọi gà nên mời người luyện gà vô địch thiên hạ về huấn luyện cho mình một con gà chọi mạnh nhất thiên hạ, có thể nhanh chóng xuất chiến.
Mười ngày sau, nhà vua hỏi người luyện gà.
“Con gà của ta đã đem chọi được chưa?”
Người luyện gà đáp:
“Chưa được, vì con gà này cứ thấy gà là chiến, ỷ thế lớn hiếp người, lông xù lên, ánh mắt xớn xác, rất kiêu ngạo.”
Chúng ta thường cho rằng lúc này đem gà đi chọi là thích hợp nhất. Nhưng người luyện gà thì nói lúc này không thể được.
Mười ngày sau, nhà vua lại hỏi câu hỏi tương tự. Người luyện gà đáp.
“Vẫn chưa được. Mặc dù tính khí nó đã bắt đầu dịu bớt, nhưng con gà khác vừa cất tiếng là nó phản ứng lại ngay, còn muốn tranh đấu, nên chưa đem chọi được.”
Lại mười ngày trôi qua, nhà vua lần thứ ba đến hỏi. Người luyện gà nói.
“Vẫn chưa được. Tuy hiện nay nó đã điềm đạm hơn nhiều, nhưng khi bị khiêu khích trong ánh mắt nó vẫn còn nộ khí, không được, chờ thêm một thời gian nữa.”
Mười ngày trôi qua nhà vua đến hỏi. Người luyện gà nói:
“Lần này thì được rồi. Những con gà khác dù có khiêu khích thế nào nó cũng trơ như gà gỗ, không thèm đáp. Tức là con gà này đã có tinh thần bình thản, đức tính nó giờ đã hoàn toàn nội hóa, trầm lắng. Bởi vậy con gà này mà đem chọi thì bất cứ con gà nào nhìn thấy nó cũng lập tức nể sợ. Lúc này có thể đem gà đi chọi.”
Câu chuyện ngụ ngôn trên giúp chúng ta nhìn lại mình một cách sâu sắc, khác hẳn với cách nghĩ thông thường của chúng ta. Lúc trẻ chúng ta cứ nghĩ để thành công phải là người mạnh mẽ, xông pha, hăng hái, quyết chiến, có tinh thần chiến binh sôi sục ra bên ngoài. Càng lớn lên, càng thấy sự toàn đức, tính điềm đạm trong mọi tình huống mới là đáng quý.
Bởi để có được điều đó, người ta đã phải rèn luyện bản thân rất nhiều. Khi tuyển nhân sự quản lý, mình để ý nếu bạn nào cứ gặp điều trái ý là phản ứng, nhân viên không đồng thuận là vui dập sẽ không thể dẫn dắt đội ngũ lâu dài.
Nội tâm, không phải là không có ý chí mà là nhuệ khí đã chuyển vào trong. Bình thản không phải là yếu đuối mà đã rất mạnh mẽ để chiến thắng chính mình.
Mình tự thấy mình vẫn còn phải sửa mình nhiều lắm.